Ý nghĩa các loài hoa

Ý nghĩa tượng trưng của hoa cúc

Hoa cúc được dùng phổ biến trong đời sống của người dân Việt Nam. Tùy theo mục đích mà người ta lựa chọn loại cúc, sắc màu cũng như số lượng bông hoa.

Hoa cúc ngày nay được lai tạo nên có rất nhiều màu sắc, kiểu dáng. Cúc vàng đại đóa ngoài màu vàng rực rỡ còn có các màu trắng, tím, hồng… Đặc biệt, nhóm cúc chi (có nhiều cành nhỏ hoặc cúc chùm) được mọi người yêu thích bởi sự mềm mại và màu sắc rất phong phú.

Văn hóa phương Đông có nhiều câu chuyện hay kể về hoa cúc cũng như ý nghĩa tượng trưng của loài hoa này.

Sự tích hoa cúc ở Trung Quốc bắt nguồn từ một vị vua già được nghe kể về loại thảo dược giúp trường sinh ở trên đảo Long Phi và chỉ có những chàng trai trẻ mới tìm được loài cây này. Vị vua đã cử 24 chàng trai đi tìm kiếm thảo dược.

Khi các chàng trai đến được hòn đảo tên Long Phi thì thấy đây chỉ là một hoang mạc và chỉ có duy nhất cây hoa cúc vàng sống được.

Họ mang cúc vàng trở về cho nhà vua và kể từ đó cúc vàng có ý nghĩa biểu tượng cho sự trường tồn. Hiện nay, đồng xu 1 Nhân dân tệ của Trung Quốc được đúc với một mặt có hình bông cúc.

Ở Nhật Bản, sự tích hoa cúc liên quan đến hai vị thần khai sáng trái đất là ông Izanagi và bà Izanami. Hoa cúc về sau trở thành biểu tượng của đế vương, sự quyền quý cao sang và giàu có. Con ấn của những gia đình nổi tiếng, quý tộc hoặc có thân thích với nhà Nhật hoàng mới có hình khắc của hoa cúc.

Sự tích hoa cúc ở Việt Nam lại gắn liền với lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ. Chuyện kể rằng có hai mẹ con nhà nọ sống với nhau trong cảnh nghèo khó nhưng rất yêu thương nhau. Một hôm người mẹ bệnh nặng, người con thương mẹ đã tìm mọi cách để chạy chữa nhưng không được.

Trước hoàn cảnh ấy, Bụt thương tình hóa thân thành một cụ già và chỉ cho người con vào rừng tìm hái bông hoa thần kỳ có số cánh hoa là số năm người mẹ được sống trên đời. Người con vượt qua khổ ải đã tìm được bông hoa nhưng trớ trêu thay bông hoa chỉ có 5 cánh.

Đau lòng nghĩ mẹ chỉ sống được thêm 5 năm, người con đã xé nhỏ cánh hoa tới mức không thể đếm được số cánh hoa nữa. Nhờ vậy người mẹ đã khỏi bệnh và được sống rất lâu bên con. Hoa cúc vì vậy mà ẩn chứa ước muốn sức sống dồi dào và sự hiếu thuận.

Hoa cúc cũng xuất hiện trong bộ tranh Tứ quý: mai, trúc, cúc, tùng (xuân, hạ, thu, đông). Xuất phát từ văn hóa Nho giáo, bộ tranh này là biểu trưng cho người quân tử.

Hoa cúc với đặc điểm “Diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa” (lá không rời cành, hoa không rụng xuống đất) đã hàm ý tượng trưng cho khí tiết kiên trung của người quân tử.

Trong phong thủy nói chung, hoa cúc vàng là biểu tượng của sự sống, tăng thêm phúc lộc và niềm vui. Có lẽ vì vậy mà người ta thường đặt một chậu cúc vàng trước nhà mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Nguồn: infonet

Related Posts